Viết bởi Claudia Cappa, Nicole Petrowski, Laura Cordisco Tsai và Rocio Aznar Daban
[TÊN NHÂN VẬT ĐÃ ĐƯỢC THAY ĐỔI] Tobias, 13 tuổi, đứng lặng lẽ bên cửa sổ của một trung tâm dành cho trẻ em bị xâm hại tại một trong những thành phố lớn nhất Colombia. Cậu sinh ra trong một gia đình rất nghèo có sáu người con. Năm 9 tuổi, Tobias bị bắt ăn mặc như con gái và bán dâm cho một người đàn ông là bạn của mẹ mình. Sau khi chạy thoát khỏi người đàn ông đó, cậu bé bắt đầu hoạt động bán dâm để kiếm sống, trong đó có cả việc ăn mặc như phụ nữ để kiếm được nhiều tiền hơn.
Bóc lột tình dục là một hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Tuy nhiên, hành vi này thường không được công nhận hoặc không bị phát hiện. Trong khi vấn đề bóc lột tình dục đối với trẻ em gái nhận được rất nhiều sự quan tâm (từ các công trình nghiên cứu lẫn cộng đồng quốc tế), thì vấn đề bóc lột tình dục đối với trẻ em trai nhận được rất ít sự chú trọng và đầu tư và nạn nhân thường chịu đựng thầm lặng. [1] Điều này dẫn tới các nhu cầu, trải nghiệm và quan điểm của trẻ em trai, cũng như những đối tượng không được xác định là nam hoặc nữ, bị bỏ bê. Chính vì vậy, việc đầu tư mạnh mẽ vào các nghiên cứu thuộc chủ đề này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay.
Nguy cơ bạo lực tình dục gia tăng và đại dịch COVID-19
Bằng chứng về những tác động gián tiếp từ công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu lên tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em, trong đó có bóc lột tình dục, hiện vẫn chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, những nghiên cứu về các đợt bùng phát dịch trong quá khứ cho thấy, trong thời gian khủng hoảng và biến động xã hội, gánh nặng kinh tế ngày một đè nặng lên các gia đình và những người chăm sóc càng dễ khiến trẻ em trở thành nạn nhân của tình trạng trên. Ví dụ, tại Sierra Leone, một nghiên cứu về đại dịch Ebola năm 2014-2015 phát hiện ra rằng nhóm trẻ em gái dễ bị tổn thương, bao gồm những em bị mất đi người thân do dịch bệnh, đã chuyển sang trao đổi tình dục để trả tiền cho đồ ăn.[2] Các nghiên cứu khác cũng ủng hộ quan điểm này, nói rằng nghèo đói là một trong những nhân tố dự đoán tình trạng gia tăng nạn bạo lực ở trẻ em chỉ xếp sau các sự kiện khẩn cấp như xung đột hay thiên tai.[3]
Việc đóng cửa trường học và mất đi sự chăm sóc từ cha mẹ cũng có thể dẫn đến bóc lột và xâm hại tình dục. Do trường học tạm ngừng hoạt động và thiếu sự giám sát từ người lớn, trẻ em lên mạng nhiều hơn và có thể vô tình trở thành nạn nhân của những tên tội phạm tình dục. Hơn nữa, nhiều biện pháp mà chính quyền các quốc gia áp dụng để phòng chống dịch bệnh đã gây ra những gián đoạn trong cơ chế báo cáo và giới thiệu của các dịch vụ bảo vệ trẻ em, khiến nhiều trẻ em và gia đình trở nên dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vi-rút cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và điều trị quan trọng. Việc điều chỉnh các dịch vụ bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực và hỗ trợ một cách nhanh chóng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc đạo đức và sự an toàn của những bên liên quan, là điều tối quan trọng khi ứng phó với tình hình khủng hoảng hiện nay.
_________________________________
“Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng tương tự ảnh hưởng như thế nào tới nạn bóc lột tình dục trẻ em. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất đó là chúng ta đang thiếu những tài liệu về các thực hành tốt nhất trong vấn đề ngăn chặn và ứng phó với nạn xâm hại tình dục trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh.”
_________________________________
Những thiếu sót đó càng gia tăng thêm do không có đầy đủ trong dữ liệu thống kê về bóc lột tình dục nói chung. Chỉ có một vài quốc gia thực hiện thu thập dữ liệu về bóc lột tình dục trẻ em theo định kỳ. Do vậy, rất khó để theo dõi mức độ thay đổi do COVID-19 gây ra, vì hầu hết các quốc gia không có một tiêu chuẩn đáng tin cậy nào. Tuy nhiên, những điều đã biết về các nhân tố dẫn đến rủi ro bóc lột tình dục có thể cho biết bùng phát dịch bệnh có thể tác động tiêu cực như thế nào đến các yếu tố quyết định chính. Ấn phẩm mới của UNICEF, Nghiên cứu về bóc lột tình dục ở trẻ em trai: Phát hiện, cân nhắc đạo đức và thách thức về phương pháp luận ghi lại những gì đã biết về tầm quan trọng, các nhân tố rủi ro và hậu quả của bóc lột tình dục trẻ em trai, đồng thời cung cấp phân tích về hậu quả sâu xa có thể xảy ra của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng thảo luận về những thách thức liên quan đến đạo đức và phương pháp luận mà UNICEF gặp phải khi nghiên cứu chủ đề này – do tính chất cực kỳ nhạy cảm của chủ đề – và cách vượt qua chúng. Thông tin này có thể rất quan trọng cho việc phân bổ đầu tư khi cần xây dựng hướng dẫn cho nghiên cứu trong tương lai.
Những ghi chép về mức độ phổ biến và nhân tố rủi ro
Mức độ phổ biến của nạn bóc lột tình dục trẻ em trai vẫn còn là một ẩn số vì rất nhiều lý do, trong đó có việc báo cáo không đầy đủ, định nghĩa không rõ ràng và thiếu thống nhất, nhận thức sai lệch và sự kỳ thị của xã hội. Phần lớn các nghiên cứu được thực hiện tập trung ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á. Bằng chứng từ các quốc gia phương Tây cho thấy trẻ em trai chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số trẻ em bị bóc lột tình dục. Ví dụ, trong mẫu ngẫu nhiên lấy từ các trường học tại Canada, Thụy Điển và Mỹ, tỷ lệ bị bóc lột tình dục ở trẻ em trai dao động từ 1,7 đến 4,8%. Tuy nhiên, việc lấy mẫu theo xác suất ở trường học nhiều khả năng đánh giá không đầy đủ được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, vì trong mẫu thiếu một số nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như thanh thiếu niên vô gia cư và bỏ nhà lang thang.
Các ước tính của những quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình thậm chí còn hạn chế hơn. Ngoài ra, các dữ liệu liên quan phải được phân tích cẩn thận, vì theo chuẩn mực văn hóa – xã hội ở một số nơi thường không coi bóc lột tình dục trẻ em trai là một vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, những ước tính hiện có chỉ đề cập đến một số hình thức bóc lột tình dục, vì điều tra thường dựa trên các bộ câu hỏi khác nhau để khai thác trải nghiệm của trẻ em hoặc câu hỏi chỉ hướng đến một số nhóm trẻ em trai nhất định trong độ tuổi vị thành niên.
Mặc dù dữ liệu về mức độ phổ biến vẫn còn sơ sài, nhưng hiểu biết của chúng ta về những yếu tố gia tăng rủi ro cho trẻ em đang ngày một tốt hơn. Ví dụ, các nghiên cứu đã liên tục chứng minh một cách nhất quán rằng bóc lột tình dục trẻ em chịu ảnh hưởng từ sự các tương tác phức tạp giữa yếu tố cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Các nhân tố rủi ro căn bản gồm có tiền sử từng bị sao nhãng hoặc xâm hại về thể chất, tinh thần và tình dục. Ở cấp độ gia đình, yếu tố nghèo đói và tiền sử bố mẹ từng lạm dụng chất gây nghiện có thể gia tăng rủi ro trẻ em trai bị bóc lột tình dục. Các nghiên cứu cũng đã phát hiện mối tương quan giữa tình trạng bóc lột tình dục ở trẻ em trai và công việc thu nhập thấp của bố mẹ, cơ hội việc làm hạn chế, nhu cầu tài chính của gia đình (bao gồm sự phụ thuộc về tài chính) và áp lực phải đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình. Thực tế, cha mẹ của trẻ em trai có thể khuyến khích con chấp nhận mối quan hệ mang tính bóc lột về tình dục và không nhất thiết phải coi đó là mối quan hệ có hại. Nghiên cứu tại Đông Nam Á và Nam Á cho thấy trẻ em trai di cư từ vùng nông thôn nghèo khó để tìm kiếm việc làm trong thành phố là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các em có thể dùng tình dục để trao đổi lấy cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và các nhu cầu cơ bản khác. Trình độ giáo dục thấp cũng là một trong những nhân tố dẫn đến nguy cơ bị bóc lột.
Xác định các nhiệm vụ mới dựa trên bằng chứng đã có
Việc nắm rõ điều gì khiến trẻ em có nguy cơ bị bóc lột tình dục, bao nhiêu em đã bị nạn nhân hóa, và bao nhiêu em là nạn nhân đã được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ là chìa khóa để thiết kế nên những chương trình can thiệp hiệu quả.
Việc tạo ra cơ sở bằng chứng vững chắc về nạn bóc lột tình dục ở trẻ em đòi hỏi cần có sự rõ ràng trong khái niệm và nhất quán trong định nghĩa được sử dụng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các công cụ và phương pháp thu thập dữ liệu mới cần được kiểm tra để tạo ra kết quả hợp lý mà vẫn đảm bảo không bỏ lơ công tác bảo vệ nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người tham gia nghiên cứu. Cuối cùng, để làm được điều này, nên lồng nghép các câu hỏi mang tính xác thực cùng với nỗ lực thu thập dữ liệu có tính chuyên biệt, được thiết kế dựa trên phương pháp lấy mẫu hướng tới những đối tượng khó tiếp cận.
Nghiên cứu liên quan đến bóc lột tình dục ở trẻ em trai cần có sự chú ý và cẩn trọng, với những cân nhắc về đạo đức kỹ lưỡng hơn các nghiên cứu trước đây. Đặc biệt, xây dựng lòng tin chính là thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các nghiên cứu đối với trẻ em từng bị bóc lột tình dục, đồng thời trẻ em trai cũng gặp nhiều rào cản khi chia sẻ những trải nghiệm như vậy. Những chuẩn mực văn hóa – xã hội về nam giới và bản năng giới tính có thể khiến các em không muốn báo cáo về những vụ bạo lực tình dục, trong đó có bóc lột tình dục. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu về nạn bóc lột tình dục ở giới trẻ, nam giới thường ít được tin tưởng hơn, ngay cả khi họ chia sẻ rằng bản thân từng bị lạm dụng tình dục bởi người khác.
Cuối cùng, một số bằng chứng nhất định chỉ ra rằng các cơ quan hành pháp và đơn vị cung cấp dịch vụ thường coi trẻ em trai ít là nạn nhân của bóc lột tình dục hơn so với trẻ em gái, và cũng có rất ít dịch vụ dành cho đối tượng này. Ngay cả khi có những dịch vụ đó, thiết kế dịch vụ thường không “thân thiện với trẻ em trai” hoặc chưa thực sự hướng đến đến nhu cầu cụ thể của các em. Bàn luận về những vấn đề trên cũng như những thách thức mới khác rất quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện hướng dẫn nghiên cứu nhằm bảo về quyền của trẻ em trai và thúc đẩy phúc lợi trẻ em trở thành ưu tiên hàng đầu. Các hướng dẫn cần tiếp tục phát triển để phản ánh thực trạng đời sống của trẻ em trong một thế giới luôn thay đổi không ngừng, đồng thời đáp ứng được các tham vấn, đánh giá và cơ sở bằng chứng ngày một vững chắc.
Việc có một hướng dẫn như vậy, cùng với một nền tảng thống kê vững chắc, có thể giúp chính phủ và các bên đối tác đánh giá kịp thời và linh hoạt tác động của những cuộc khủng hoảng tương tự như chúng ta đang phải trải qua hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng chúng để nhân rộng quy mô của các can thiệp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực lên trẻ em, cả trong hiện tại và tương lai khi mối đe dọa trước mắt đã qua đi.
Trái tim xanh | Nói không với BẠO LỰC. Bảo vệ Trẻ Em. An toàn cho Phụ nữ
#TráiTimXanh #NóiKhôngVớiBẠOLỰC #BảoVệTrẻEm #AnToànChoPhụNữ